Đánh giá công việc – căn cứ thiết lập thang, bảng lương

  • Posted by: Ms Mai
  • Category: Hệ thống lương thưởng

1. Cơ sở xây dựng thang, bảng lương

Đánh giá giá trị công việc (Job Evaluation) là một nhiệm vụ cơ bản của quản trị nguồn nhân lực. Các chức danh công việc đều được đánh giá lại hàng năm khi có những thay đổi về chức trách, nhiệm vụ và nội dung công việc hoặc khi một chức danh mới được thiết lập. Kết quả đánh giá giá trị công việc là cơ sở quan trọng để thiết lập nhóm/ngạch lương, xây dựng thang bảng lương nhằm đảm bảo trả lương công bằng, khuyến khích lao động và có luận cứ thuyết phục.


2. Đánh giá giá trị công việc

Xác định giá trị công việc là việc phân hạng, xếp nhóm/ngạch các chức danh trên cơ sở đánh giá một cách có hệ thống các yếu tố cấu thành lao động như kiến thức, kinh nghiệm, mức độ phức tạp và trách nhiệm v.v... theo yêu cầu công việc.
Phân tích và mô tả công việc một cách rõ ràng, đầy đủ, sát thực là cơ sở quan trọng để xác định giá trị công việc đối với từng chức danh. Các yếu tố đánh giá đều phải được “chụp ảnh” một cách chính xác. Điều này có thể được thực hiện bằng các phương pháp quan sát, phỏng vấn, điều tra phiếu hỏi v.v... Qua đó, người lao động biết rõ mình phải làm gì và doanh nghiệp mong đợi gì từ họ, giá trị công việc của chức danh này khác với chức danh còn lại trong tổ chức như thế nào.

Có nhiều phương pháp đánh giá và xếp hạng giá trị công việc như:
- Chấm điểm theo yếu tố lao động (Point-factor method);
- Phân loại chức danh (Classification);
- Xếp hạng (Ranking);
- So sánh với thị trường lao động (Market comparison).

Mỗi phương pháp đều có những ưu và nhược điểm riêng về thời gian, chí phí thực hiện cũng như tính chính xác của kết quả đánh giá.

Trong số đó, phương pháp Chấm điểm (Point-factor method) được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới ở cả khu vực công và tư. Theo phương pháp này, các khía cạch hay yếu tố lao động được xác định thành các mức độ điểm số để đánh giá. Tổng số điểm của mỗi chức danh sẽ là căn cứ để xếp hạng nhóm/ngạch trong thang bảng lương của doanh nghiệp. Tất nhiên, điểm số cao sẽ được xếp ở nhóm/ngạch lương cao hơn.

 

Ảnh: Ví dụ tiêu chí và đánh giá giá trị công việc


3. Thực hiện

Việc đánh giá và xếp hạng giá trị công việc thường gây tâm lý lo sợ mất việc hoặc bị giảm lương ở một bộ phận người lao động nào đó. Mặc dù, điều đó có thể là cần thiết và hợp lý với tổ chức thì Hội đồng tiền lương vẫn nên chuẩn bị kỹ công tác tuyên truyền, phổ biến để người lao động hiểu và ủng hộ quá trình đổi mới của doanh nghiệp. Mọi sự e ngại, né tránh, dĩ hoà vi quý….đối với vấn đề tiền lương đều chỉ làm chậm quá trình đổi mới, phát triển và hội nhập của doanh nghiệp. Thiết lập sự công bằng, minh bạch trong việc trả lương với tinh thần xây dựng, đổi mới, thiết nghĩ đó cũng là một phần của văn hoá doanh nghiệp.


Nếu bạn cần giải đáp cụ thể và chia sẻ nhiều hơn về chủ đề xây dựng hệ thống tiền lương 3P, hệ thống KPI và năng lực, vui lòng liên hệ với chúng tôi. Chúc bạn thành công trong nghề quản trị nhân sự và lãnh đạo doanh nghiệp.

Để nhận Thư tư vấn và chia sẻ thông tin, hãy liên hệ với Macconsult

Hotline: (024) 6275 2326

Email: tuvan@macconsult.com.vn